Cháo ăn liền đang là một món ăn phổ biến và tiện lợi trong cuộc sống hiện đại. Được yêu thích bởi sự nhanh gọn, hương vị thơm ngon mà không nhiều dầu mỡ, cháo ăn liền không chỉ là lựa chọn của những người bận rộn mà còn của nhiều gia đình. Món ăn tiện lợi này được sản xuất như thế nào? Hãy cùng Đức Phát khám phá chi tiết quy trình sản xuất cháo ăn liền trong bài viết này.
Tóm tắt nội dung chính
Cháo ăn liền là gì?
Cháo là một sản phẩm làm từ gạo được nấu mềm, dễ tiêu hóa và tốt cho sức khỏe. Vì vậy, cháo thường được sử dụng cho người có bệnh lý, người lớn tuổi và trẻ em. Cháo ăn liền được chế biến sẵn và có thể ăn luôn sau khi mở nắp hoặc chỉ cần cho nước nóng vào, cháo sẽ nở ra và có thể ăn ngay. Cháo ăn liền không cần phải chế biến, nấu nướng từ đầu nên rất tiện lợi.
Hiện nay trên thị trường, hai loại cháo ăn liền phổ biến nhất bao gồm:
Cháo ăn liền dạng lỏng
Đây là loại cháo ăn liền có thể ăn ngay sau khi mở. Người sử dụng không cần phải cho thêm nước hay bất kỳ nguyên liệu nào khác. Bạn có thể làm nóng cháo trước khi ăn nếu muốn ăn cháo ấm.
Cháo ăn liền dạng lỏng thường được đóng trong những chiếc lon có một lớp nắp thiếc và nắp nhựa silicone.
Cháo ăn liền dạng sấy khô
Cháo ăn liền có dạng bột được sấy khô. Với loại cháo ăn liền này, bạn cần đổ nước nóng vào và ngâm vài phút. Cháo sấy khô sẽ nở ra, trở nên mềm và có thể ăn được.
Cháo ăn liền dạng sấy khô thường được đóng trong các túi bao bì hoặc hộp nhựa đóng nắp.
Quy trình sản xuất cháo ăn liền
Với hai loại cháo ăn liền dạng lỏng và dạng sấy khô, quy trình sản xuất mỗi loại sẽ có điểm khác biệt.
Trước tiên, hãy cùng Đức Phát đi vào quy trình sản xuất cháo ăn liền dạng bột sấy khô.
Quy trình sản xuất cháo ăn liền dạng sấy khô
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
Gạo là nguyên liệu chính cho món cháo ăn liền. Nhà sản xuất sẽ lựa chọn loại gạo ngon, phù hợp với công thức và chất lượng sản phẩm đầu ra mà doanh nghiệp mong muốn.
Sau đó, gạo được rửa sạch để loại bỏ các bụi bẩn và tạp chất. Việc rửa gạo có thể sử dụng các loại máy rửa thực phẩm công nghiệp để có thể rửa khối lượng lớn trong thời gian ngắn.
Bên cạnh gạo, cháo ăn liền còn có nhiều vị khác nhau như vị bí đỏ, thịt băm, gà hầm, cà rốt,… Tùy theo vị của cháo, các nguyên liệu rau củ sẽ được rửa sạch, gọt vỏ và cắt nhỏ, thái hột lựu hoặc xay nhuyễn. Thịt cũng được rửa sạch và xay nhuyễn hoặc làm chín sơ bộ trước khi nấu cùng với gạo.
Bước chuẩn bị nguyên liệu là khâu quan trọng để đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm.
Bước 2: Gia ẩm
Gạo sau khi rửa xong sẽ được để ráo và chuyển sang bước gia ẩm. Quá trình gia ẩm giúp nguyên liệu gạo đạt độ ẩm nhất định, chuẩn bị cho các bước tiếp theo.
Công đoạn gia ẩm được thực hiện như sau:
- Nhiệt độ: 60 – 70 độ C
- Thời gian ngâm: 20 – 30 phút
- Độ ẩm của nguyên liệu sau khi ngâm: 18 – 21%
Bước 3: Ép đùn
Ép đùn là việc đưa nguyên liệu đi qua một thiết bị định hình khuôn để ép nguyên liệu thành hình dạng nhất định. Ép đùn được thực hiện dưới nhiệt độ và áp suất cao với mục đích làm chín và tạo hình cho sản phẩm. Đồng thời, dưới nhiệt độ và áp suất cao, nó sẽ ức chế hoạt động của vi sinh vật. Sau khi ép đùn, sản phẩm sẽ được tạo hình, độ ẩm giảm xuống tương đối thấp.
Cụ thể, công đoạn ép đùn sẽ thực hiện theo các bước sau:
- Phối trộn
- Nhào trộn
- Nấu
- Bay hơi
- Đùn ép nguyên liệu ra khỏi khuôn
Độ ẩm của nguyên liệu khi vào máy từ 18 – 21%. Độ ẩm của sản phẩm sau khi ép đùn từ 5 – 7%.
Bước 4: Nghiền
Sau khi ép đùn, nguyên liệu được nghiền nhỏ để làm giảm kích thước trước khi đóng gói. Ngoài ra, việc nghiền nhỏ nguyên liệu sẽ giúp cháo ăn liền chín nhanh hơn khi ngâm với nước nóng. Kích thước của sản phẩm sau khi nghiền sẽ tùy thuộc theo nhu cầu của đơn vị sản xuất. Thông thường, cháo sẽ được nghiền ở dạng hạt nhỏ hoặc bột có kích thước tương đối nhưng không nghiền mịn như bột mì.
Bước 5: Sản xuất gói gia vị và gói dầu
Quy trình sản xuất gói gia vị cho cháo ăn liền được thực hiện như sau: Muối được sấy khô, xay nhỏ. Sau đó, muối được trộn với một số gia vị khác để thêm hương vị cho sản phẩm. Cuối cùng, máy đóng gói muối sẽ đóng gia vị vào các gói 4 biên hoặc gói 3 biên. Tỷ lệ phối trộn và thành phần để phối trộn gia vị sẽ tùy thuộc vào đơn vị sản xuất.
Đối với gói dầu, các gia vị ớt, tỏi và ngũ vị hương được nghiền nhỏ và nấu với dầu tinh luyện để trích ly hương vị. Hỗn hợp trích ly sau khi được lọc bỏ bã và để lắng, ta sẽ có thành phẩm là gói dầu.
Bước 6: Đóng gói
Cháo ăn liền sấy khô được đóng gói vào túi bao bì nhựa bằng máy đóng gói dạng bột hoặc đóng vào hộp nhựa bằng máy đóng gói nằm ngang. Mục đích của việc đóng gói là bảo quản cho thành phẩm bên trong khỏi các tác động bên ngoài, đồng thời giúp quá trình vận chuyển tốt hơn. Bạn có thể tham khảo máy đóng gói bột chiên giòn, chiên xù để đóng gói cháo ăn liền sấy khô.
Quy trình sản xuất cháo ăn liền dạng lỏng
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
Phần chuẩn bị nguyên liệu cho cháo dạng lỏng cũng tương tự như cháo sấy khô. Gạo được lựa chọn kỹ càng và rửa sạch. Các thành phần khác như rau củ và thịt sẽ được rửa và thái, cắt nhỏ hoặc xay nhuyễn và làm chín sơ bộ. Việc này giúp rau củ và thịt dễ dàng chín và hòa quyện vào cháo hơn khi nấu.
Bước 2: Nấu cháo
Các nguyên liệu đã chuẩn bị xong sẽ chuyển sang bước nấu chín cháo. Gạo và nước được đưa vào nồi lớn để nấu. Quá trình nấu cháo kéo dài từ 30 phút đến 1 giờ, tùy thuộc vào loại gạo và độ đặc mong muốn của sản phẩm. Nhiệt độ và thời gian nấu được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo cháo đạt được độ mềm mịn và hương vị hoàn hảo.
Khi cháo gần chín, các nguyên liệu bổ sung như rau củ và thịt, các gia vị được thêm vào. Nồi nấu có các cánh khuấy sẽ khuấy đều hỗn hợp cháo để cháo ngấm gia vị và đượm hương thơm của rau củ, thịt. Bên cạnh đó, nhờ có các phụ liệu, cháo sẽ có đầy đủ chất dinh dưỡng.
Bước 3: Làm nguội
Trước khi được đóng gói, cháo ăn liền sẽ được làm nguội bớt. Việc này tránh cho các thành phần trong cháo tiếp tục bị biến đổi do nhiệt độ cao. Ngoài ra, việc làm nguội sản phẩm giúp quá trình đóng gói diễn ra trơn tru hơn, phù hợp với các loại thực phẩm công nghiệp.
Bước 4: Đóng gói
Cháo dạng lỏng thường được đóng gói vào lon. Vì vậy, cháo sẽ được đóng gói bằng máy đóng lon. Sau khi cháo được cho vào lon, máy sẽ hàn mí lon và cấp, đóng nắp silicone cho lon. Do cháo đóng lon ở dạng lỏng, được sử dụng ngay sau khi mở nắp nên thường sẽ có hạn sử dụng ngắn hơn cháo sấy khô. Quá trình đóng gói cháo vì thế cần cẩn thận và nâng cao bảo quản chất lượng sản phẩm.
Kết luận
Quy trình sản xuất cháo ăn liền đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ hiện đại và quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Sự tiện lợi và nhanh chóng của cháo ăn liền là không thể phủ nhận, tuy nhiên điều quan trọng nhất là sản phẩm vẫn giữ được hương vị tự nhiên và hàm lượng dinh dưỡng. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn rõ nét hơn về quy trình sản xuất cháo ăn liền và sự kỳ công phía sau mỗi bát cháo mà chúng ta vẫn thường ăn.
Nguyễn Đức Ngọc
Giám đốc điều hành
0919476666
Huỳnh Tuấn Lâm
Chuyên gia về giải pháp hệ thống
0931284444
Dương Vũ Vương
Giám đốc chi nhánh Đức Phát Hồ Chí Minh
0974344345