Cách Làm Bánh Trung Thu Đơn Giản Tại Nhà

Trung Thu là ngày rằm tháng Tám hàng năm (tức ngày 15/8 âm lịch). Vào ngày này, theo cổ truyền, chúng ta thường có bánh trung thu, các loại trái cây như bưởi, hồng, na, … và những câu chuyện về chú Cuội, chị Hằng Nga. Bên cạnh đó, Tết Trung Thu còn có múa lân, các món đồ chơi như đèn ông sao, mặt nạ, đèn lồng, đèn cù, trống lắc tay, … Ngày nay, nhiều nét cổ truyền đã thay đổi, nhưng bánh trung thu vẫn là món ăn không thể thiếu vào dịp lễ này. Nhiều người, thay vì tốn một số tiền lớn để mua bánh trung thu, đã tìm cách làm bánh trung thu đơn giản tại nhà.

Ý nghĩa và truyền thống của bánh trung thu trong văn hóa dân tộc Việt Nam

Sự tích của bánh Trung Thu

su-tich-banh-trung-thu

Không có thời điểm hay tài liệu chính xác về việc bánh trung thu xuất hiện ở Việt Nam từ bao giờ. Nhưng sự tích về bánh trung thu gắn liền với câu chuyện của chú Cuội và Hằng Nga. 

Ngày xưa có một nàng tiên tên là Hằng Nga. Nàng có chức vụ cai quản mặt trăng và rất yêu mến trẻ em. Vào dịp rằm tháng Tám trăng tròn, Ngọc Hoàng đã tổ chức một cuộc thi làm bánh. Ai làm bánh ngon và đẹp nhất sẽ được trọng thưởng. Hằng Nga vì cuộc thi đã xuống trần gian và gặp được Cuội.

Mặc dù hay nói dóc, nhưng Cuội là người rất giỏi nấu ăn, hay làm bánh cho trẻ con và được trẻ con yêu quý. Hằng Nga thấy vậy liền nhờ Cuội cùng nàng làm ra một chiếc bánh đặc biệt. Chiếc bánh được kết hợp từ nhiều nguyên liệu: hạt sen, thịt, lạp xưởng, trứng, mè, … Lớp nhân được bọc bởi một lớp bột bên ngoài, sau đó nướng lên.

Chiếc bánh sau khi hoàn thành thơm phức, những đứa trẻ ăn nó đều thích thú. Khi trở lại thiên đình, Hằng Nga đã đem bánh lên để dự thi. Cuội vì không muốn xa Hằng Nga nên đã nắm chặt tay nàng và bị kéo lên cung trăng. Sau khi dâng bánh lên, Ngọc Hoàng rất thích và đặt tên bánh là bánh trung thu, đồng thời ban cho Hằng Nga một điều ước.

Hằng Nga đã ước được cùng Cuội xuống nhân gian chơi với các em nhỏ vào mỗi ngày rằm tháng Tám hàng năm và được chấp thuận. Từ đó, ngày rằm tháng Tám được gọi là Tết Trung Thu.

Ý nghĩa của bánh trung thu

y-nghia-cua-banh-trung-thu

Bánh trung thu là biểu tượng của sự sum họp, gắn kết của các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, ngày rằm tháng Tám đối với người dân Việt Nam từ xa xưa là ngày để ăn mừng vụ mùa. Họ bày tỏ lòng biết ơn với trời đất cũng như mong cho mưa thuận gió hòa để các vụ mùa sau được thuận lợi. Chính vì thế, bánh trung thu với hình vuông hoặc hình tròn là tượng trưng cho đất trời, hình tròn giống như vầng trăng ngày rằm cũng như sự tròn đầy, vẹn nguyên. 

Theo truyền thống, bánh trung thu ở Việt Nam có hai loại là bánh nướng và bánh dẻo. Mỗi loại bánh lại mang một ý nghĩa riêng.

  • Bánh nướng có ý nghĩa là dù trải qua nhiều khó khăn thì cuối cùng gia đình, người thân vẫn ở bên mình. Nhân bánh vừa mặn, vừa ngọt, bùi bùi ngậy ngậy giống như sự ấm áp và các sắc thái của gia đình.
  • Bánh dẻo có màu trắng, mang lại ý nghĩa là sự đoàn viên. Nó thể hiện tình cảm khăng khít của vợ chồng.

Xem thêm: Máy đóng gói tự động

Tại sao nên làm bánh trung thu tại nhà

Hàng năm cứ đến dịp Tết Trung Thu, bánh trung thu lại được bày bán ở khắp nơi. Từ các hãng bánh lớn như Hữu Nghị, Kinh Đô, Thu Hương, Đông Phương cho đến các cửa hàng chuyên bán bánh trung thu handmade. Nhưng vài năm gần đây, xu hướng làm bánh trung thu tại nhà dần trở nên hot hơn bởi một số lý do:

Giá thành rẻ hơn

Các loại bánh trung thu bên ngoài không chỉ đơn giản là tiền nguyên liệu và tiền công. Giá của bánh trung thu còn bao gồm cả giá trị thương hiệu, các chi phí đầu tư mặt bằng, quảng cáo, bao bì, khoản lợi nhuận, … Điều này khiến bánh trung thu ngày càng đắt. Một số loại bánh xa xỉ có thể lên tới hàng triệu đồng. Nếu làm bánh tại nhà, bạn chỉ mất tiền nguyên liệu và một chút chi phí cho lớp bao bì gói bánh.

Kích thước tùy chỉnh

tuy-chinh-kich-thuoc

Bánh nướng và bánh ngọt đa phần đều có độ ngọt tương đối. Nhiều người chỉ ăn bánh trung thu để thưởng thức nên không thể ăn hết cả cái. Nếu làm tại nhà, bạn có thể chọn loại khuôn bé và tùy chỉnh kích thước của bánh nhỏ hơn để phù hợp với sức ăn.

Thành phần, độ ngọt có thể thay đổi

Bạn tiểu đường nhưng vẫn muốn được ăn bánh trung thu? Bạn không thích ăn bánh trung thu quá ngọt? Bạn muốn ăn bánh trung thu có nhân theo ý mình? Bạn đang giảm cân và muốn một loại bánh trung thu có lượng calo thấp? Nếu mua bánh trung thu ở ngoài, bạn sẽ phải tốn nhiều công sức để tìm nơi bán bánh hợp với các yêu cầu đưa ra. Nhưng việc làm tại nhà sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Bạn có thể điều chỉnh các thành phần, độ ngọt của bánh. Như vậy, bạn không còn phải e ngại về lượng calo hay đường có trong bánh nữa.

Có cơ hội kiếm tiền

Những năm gần đây, bánh trung thu handmade khá được yêu thích vì giá thành rẻ hơn và chất lượng hơn những công thức làm bánh công nghiệp. Nếu bạn là một người có bàn tay nội trợ “khéo léo” và những chiếc bánh bạn làm ra được bạn bè, gia đình yêu thích, bạn có thể nghĩ đến việc “kinh doanh” bánh trung thu tự làm từ bây giờ. 

Xem thêm: Cách Làm Kem Cheese Béo Ngậy Tại Nhà

Các cách làm bánh trung thu tại nhà đơn giản

Dưới đây là cách làm bánh trung thu nướng và bánh trung thu dẻo. Bạn có thể note lại để làm tặng người thân, gia đình như một món quà vào dịp Trung Thu.

Cách làm bánh trung thu nướng

cach-lam-banh-trung-thu-nuong

Chuẩn bị nguyên liệu

Nguyên liệu phần vỏ bánh:
  • Bột mì số 13: 240g
  • Nước đường: 160ml
  • Dầu ăn: 30g
  • Lòng đỏ trứng gà: 1 quả
  • Dầu ăn: 2 muỗng cafe (tốt nhất dùng dầu hướng dương)
Nguyên liệu phần nhân bánh:
  • Hạt bí: 60g
  • Hạt dưa: 60g
  • Vừng trắng: 100g
  • Mứt bí: 100g
  • Hạt mứt sen: 60g
  • Mứt vỏ chanh: 20g
  • Thịt xá xíu: 100g
  • Mỡ đường: 100g
  • Lạp xưởng: 100g
  • Ngũ vị hương: 1/4 gói
  • Lá chanh thái sợi: 30g
  • Gừng thái nhỏ: 30g

Cách làm chi tiết

Đầu tiên là phần vỏ bánh:
  • Rây bột qua màng lọc để bột không bị vón cục
  • Cho các nguyên liệu làm vỏ bánh vào bát lớn. Trộn đều cho đến khi hỗn hợp sánh mịn.
  • Dùng màng bọc thực phẩm bọc lại và ủ từ 30 – 45 phút. 
  • Lưu ý: Khi sử dụng nước đường, bạn nên dùng nước đường có thời gian càng lâu càng tốt. Nếu hỗn hợp bột sau khi trộn quá khô, hãy cho thêm 1 chút dầu ăn hoặc nước đường. Còn nếu hỗn hợp bị ướt thì thêm bột mì để bột dẻo, dễ cán hơn.
Cách làm nhân bánh như sau:
  • Hòa nước với đường và đun sôi
  • Cho gừng thái nhỏ vào đun thêm 3 phút rồi tắt bếp
  • Rang chín hạt bí, hạt dưa. Thái vụn các loại mứt và hạt
  • Rán hoặc cho lạp xưởng vào lò vi sóng. Khi lạp xưởng chín thì thái nhỏ.
  • Trộn thịt, lạp xưởng, các loại hạt, mứt, vừng trắng, lá chanh thái sợi, mỡ đường, ngũ vị hương và nước đường đã cho gừng thái nhỏ vào với nhau. Để nhân bánh có sự kết dính tốt hơn, bạn có thể cho thêm một ít bột bánh dẻo và trộn đều.
  • Chia nhân thành các phần bằng nhau và vo tròn.

lam-nhan-banh

Làm hỗn hợp quét mặt bánh
  • Trộn 1 lòng đỏ trứng gà, 1/2 lòng trắng trứng, 1 thìa cơm sữa tươi không đường, 1/2 thìa cơm dầu mè và 1/3 thìa cơm hắc xì dầu với nhau.
Nặn bánh
  • Sau khi ủ bột, chia bột thành các phần bằng nhau sao cho tỷ lệ vỏ và nhân là 1:2. 
  • Cán mỏng bột thành hình tròn, đặt viên nhân vào giữa và miết cho vỏ ôm sát, bao kín viên nhân, không để lộ nhân ra ngoài. 
Đóng bánh
  • Đặt các viên bánh vào khuôn để tạo hình cho bánh
Nướng bánh

nuong-banh-trung-thu

  • Làm nóng lò ở 200 độ C trong vòng 15 – 20 phút.
  • Nướng lần 1 trong vòng 15 phút ở nhiệt độ 200 độ C. 
  • Bỏ bánh ra khỏi lò. Đến khi bánh nguội, quét một lớp hỗn hợp quét lên mặt bánh. Lưu ý trước khi quét hỗn hợp lên mặt bánh, bạn nên lọc hỗn hợp qua rây trước.
  • Nướng lần 2 trong vòng 10 phút ở 200 độ C. 
  • Bỏ bánh ra khỏi lò và chờ bánh nguội. Quét tiếp một lớp hỗn hợp mỏng lên mặt bánh
  • Nướng lần 3 tương tự như lần 2.
Hoàn thành

Bánh sau khi nướng được để nguội hoàn toàn. Sau khi hoàn thiện, đóng gói bánh cùng túi hút ẩm. Sau 2 – 3 ngày, vỏ xuống dầu là có thể dùng được.

Cách làm bánh trung thu nhân đậu xanh

cach-lam-banh-trung-thu-nhan-dau-xanh

Với bánh trung thu nhân đậu xanh, vỏ bánh nướng cũng chuẩn bị tương tự như trên. Tuy nhiên, nhân bánh trung thu sẽ được chuẩn bị theo cách khác.

Chuẩn bị nguyên liệu làm nhân bánh

  • Đậu xanh đã đãi vỏ: 200g
  • Đường trắng: 150g
  • Bột bánh dẻo: 30g
  • Mạch nha: 50g
  • Dầu ăn (dầu hướng dương): 50g 

Cách làm chi tiết

  • Ngâm đậu xanh khoảng 4 tiếng để đậu mềm. Cho đậu vào nồi cùng nước rồi nấu chín đến khi đậu mềm bở. 
  • Đổ đậu đã nấu chín vào máy xay nhuyễn. Cho đậu và đường vào chảo để sên. Lưu ý khi sên đậu phải đảo đều tay, đảo liên tục, không để đậu bị cháy khét, vón cục. 
  • Trong lúc sên đậu, cho bột bánh dẻo và dầu ăn vào nhân đậu xanh và trộn đều. 
  • Khi nhân có độ dẻo quyện lại, cho mạch nha vào sên cùng 3-4 phút. Nếu nhân đậu có thể nắm lại thành viên có độ kết dính chắc, không bị rời rạc thì có thể tắt bếp.
  • Để nguội nhân đậu. Chia nhân và nặn thành các viên tròn có kích thước 100g. 
  • Bọc nhân bằng màng bọc thực phẩm và cho vào ngăn mát tủ lạnh.

Sau khi có nhân và vỏ bánh, các thao tác nặn bánh, đóng bánh và nướng bánh được thực hiện tương tự như cách làm bánh trung thu thập cẩm ở trên.

Xem thêm: Cách Làm Gà Ủ Muối Hoa Tiêu Tại Nhà Ngon Hút Mắt

Cách làm bánh trung thu dẻo

cach-lam-banh-trung-thu-deo

Lớp vỏ của bánh dẻo khác với bánh nướng. Vì vậy bạn cần lưu ý khi làm vỏ bánh dẻo.

Chuẩn bị nguyên liệu

Nguyên liệu làm vỏ bánh
  • Nước đường bánh dẻo: 390ml
  • Nước hoa bưởi: 6ml
  • Bột bánh dẻo (bột nếp rang): 200g
  • Dầu ăn: 12ml
Nguyên liệu làm nước đường bánh dẻo
  • Đường trắng: 300g
  • Nước cốt chanh: 5ml
  • Nước: 300ml

Cách làm chi tiết bánh dẻo trung thu

  • Nấu nước đường bánh dẻo: Đun sôi nước, cho đường trắng vào khuấy đều rồi hạ nhỏ lửa. Thêm 5ml nước cốt chanh, tiếp tục đun trong 15 phút và tắt bếp, lọc qua rây và để nguội. 
  • Làm vỏ bánh: Trộn nước đường, nước hoa bưởi với nhau. Từ từ thêm bột bánh dẻo vào, khuấy nhanh tay. Khi bột có độ kết dính, xoa 1 lớp bột mỏng lên và nhào đều tay cho đến khi bột dẻo, mịn. Bọc kín khối bột lại bằng màng bọc thực phẩm và ủ trong 30 phút.  
  • Làm nhân bánh: Tùy theo loại nhân bạn muốn. Bạn có thể tham khảo cách làm nhân truyền thống hoặc nhân đậu xanh ở trên.
  • Bọc bánh và đóng bánh: Chia khối bột làm vỏ bánh thành nhiều phần bằng nhau. Lấy một phần cán mỏng thành hình tròn sao cho phần mép bên ngoài mỏng hơn phía bên trong. Cho viên nhân vào giữa và bọc vỏ lại, vừa bọc vừa miết để vỏ sát vào nhân. Sau khi bọc xong, bạn vê lại khối bánh đã nhồi nhân 2 – 3 vòng. Cho một ít dầu ăn hoặc bột mì vào khuôn, sau đó cho khối bánh vào để ép tạo hình.

Hoàn thành

Bánh dẻo không cần nướng. Khi hoàn thành, lớp vỏ dẻo bên ngoài có độ đàn hồi tốt, khi ăn có vị bùi, ngọt, thơm. Như vậy là bánh dẻo đã hoàn thành. Bạn có thể ăn bánh dẻo trung thu cùng trà nóng để thêm ngon miệng.

Cách làm bánh trung thu trứng chảy

cach-lam-banh-trung-thu-trung-chay

Với bánh trung thu chứng chảy, lớp nhân trứng chảy chính là “linh hồn” của bánh.

Chuẩn bị nguyên liệu

Nguyên liệu làm nhân bánh trung thu lava trứng chảy
  • Bơ mặn: 15g
  • Bột custard: 7g
  • Bột bắp: 7g
  • Đường: 25g
  • Lòng đỏ trứng muối đã nấu chín xay nhỏ: 15g
Nguyên liệu làm nhân mềm custard
  • Whipping cream: 40g
  • Nước cốt dừa: 40g
  • Bơ mặn: 25g
  • Đường: 38g
  • Bột custard: 25g
  • Sữa bột: 30g
  • Trứng cả quả: 40g
  • Sữa đặc: 35g
  • Lòng đỏ trứng muối đã nấu chín xay nhỏ: 30g
Nguyên liệu làm vỏ bánh
  • Nước đường bánh nướng: 43g
  • Sữa đặc: 43g
  • Bơ: 43g
  • Bột bắp: 12g
  • Bột custard: 12g
  • Bột mì đa dụng số 13 hoặc bột làm bánh ngọt: 120g
  • Sữa tươi: 1 muỗng cafe

Cách làm chi tiết

Sơ chế lòng đỏ trứng muối

long-do-trung-muoi

  • Ngâm lòng đỏ trứng muối với rượu để bớt mùi tanh
  • Vớt lòng đỏ trứng ra và phết một ít dầu mè lên mặt trứng
  • Cho trứng muối vào nồi hấp trong vòng 5 phút. Sau khi tắt bếp, để trứng trong nồi 5 phút nữa. 
  • Khi trứng còn nóng, lập tức bỏ vào máy xay để xay nhuyễn.
Làm nhân mềm custard
  • Cho 15g bơ mặn vào lò vi sóng trong 15 giây để bơ tan chảy hoàn toàn
  • Cho bột custard, bột bắp, đường vào nồi trộn đều. Cho nước vào hỗn hợp từ từ, vừa cho vừa khuấy đều đến khi hỗn hợp có màu vàng cam. 
  • Cho bơ mặn đã tan chảy vào khuấy đều. 
  • Khi hỗn hợp đã mịn, không còn bị vón cục, cho hỗn hợp lên bếp để lửa vừa. Khuấy hỗn hợp đều tay cho đến khi hỗn hợp sệt lại thì tắt bếp. Cho 15g trứng muối đã nấu chín xay nhuyễn vào khuấy đều.
  • Trải màng bọc thực phẩm trên mặt phẳng. Cẩn thận cho hỗn hợp trứng chảy lên trên màng bọc rồi gập đôi màng bọc lại. 
  • Sử dụng cán bột để vén hỗn hợp thành một thanh dài. Từ từ buộc lại để hỗn hợp không chảy ra. Đem hỗn hợp vào tủ đông 1 – 2 tiếng.
  • Lấy hỗn hợp ra chia thành 12 miếng đều nhau. Vo tròn các miếng rồi để vào khay hoặc đĩa. Bọc màng thực phẩm lại và để vào tủ động 4-8 tiếng để phần nhân đông lại.
Trộn nhân custard
  • Trộn bột custard, sữa bột, một quả trứng đã đánh tan vào
  • Cho tiếp sữa đặc vào khuấy đều cho đến khi được hỗn hợp màu vàng sánh mịn.
  • Cho whipping cream, nước cốt dừa, đường, bơ mặn vào nồi. Bắc nồi lên bếp đun với lửa vừa, khuấy đều đến khi hỗn hợp hòa quyện thì tắt bếp.
  • Đổ hỗn hợp vừa đun vào với hỗn hợp vàng và khuấy đều cho hòa quyện vào nhau. Cho lại hỗn hợp vào nồi và đun lửa vừa. Khuấy đều cho đến khi hỗn hợp đặc sệt, không dính phới nữa.
  • Cho hỗn hợp vào máy xay với phần trứng muối đã xay nhuyễn còn lại. Đổ hỗn hợp ra, dàn đều mặt và dùng màng bọc thực phẩm bọc kín rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh. 
  • Khi phần nhân đã nguội, chia đều ra thành 12 phần bằng nhau.
Bọc nhân
  • Lấy phần nhân custard cán mỏng ra rồi bọc phần nhân trứng chảy vừa để trong tủ đông. Vì phần nhân trứng chảy có thể bị chảy ra nếu để nhiệt độ thường, bạn nên lấy 2 nhân trứng chảy 1 lần để bọc, tránh khiến nhân chảy. 
  • Bọc cẩn thận sao cho phần nhân mềm bao kín phần nhân trứng chảy rồi bọc lại bằng màng bọc thực phẩm và cho vào tủ đông. 
Làm vỏ bánh
  • Làm mềm bơ lạt và dùng phới lồng đánh bơ lạt cho tan ra
  • Cho nước đường bánh nướng, sữa đặc vào trộn cùng bơ lạt
  • Rây bột bắp, bột mì, bột custard vào tô và trộn đều với nhau. Vừa trộn vừa cho từ từ nước đường vào. Trộn, nhào bột cho đến khi khối bột mềm, mịn.
  • Bọc kín khối bột bằng màng bọc thực phẩm và để bột nghỉ khoảng 20 phút
  • Chia phần vỏ bánh thành 12 phần bằng nhau. 
Bọc bánh và đóng khuôn

dong-khuon-banh

  • Lấy từng phần vỏ ra cán mỏng thành hình tròn 
  • Đặt phần nhân bánh đã đông cứng lên trên
  • Cẩn thận bọc lớp vỏ bao kín xung quanh phần nhân bánh và vo tròn lại
  • Cho một ít bột áo rắc lên bánh và khuôn. Việc này giúp bánh sau khi đóng khuôn không bị dính vào khuôn mà có thể lấy ra dễ dàng.
  • Sau khi ép khuôn bánh, cho bánh vào tủ đông 1 – 2 tiếng để bánh cứng hơn
Nướng bánh
  • Làm nóng lò ở nhiệt độ 250 độ C trong vòng 5 – 10 phút
  • Để nướng bánh, hãy rải một lớp lót silicon hoặc giấy nến trên khay rồi đặt bánh lên. Phết một ít dầu ăn lên mặt bánh.
  • Nướng lần một trong vòng 20 phút ở nhiệt độ 200 độ C. 
  • Trong lúc nướng lần 1, trộn 1 lòng đỏ trứng, 1 muỗng cafe sữa tươi và khuấy đều
  • Sau khi nướng xong lần một, lấy bánh ra để nguội trong vòng 5 phút. 
  • Phết hỗn hợp lòng đỏ trứng và sữa tươi vừa khuấy lên mặt bánh rồi cho bánh vào nướng lần 2 trong vòng 3-4 phút. Khi vỏ bánh hơi sẫm màu là bánh đã hoàn thành. 
Hoàn thành

Bánh sau khi để nguội có màu vàng óng rất thơm. Bánh có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Khi ăn, lớp nhân trứng chảy sẽ tan ra sền sệt. Cùng với phần nhân custard mềm thơm, nó sẽ kích thích sự ngon miệng của người ăn đến tối đa.

Xem thêm: Top Các Cách Làm Sữa Chua Tại Nhà Đơn Giản Mà Hiệu Quả

Cách làm bánh trung thu trứng muối

cach-lam-banh-trung-thu-trung-muoi

Dưới đây là cách làm bánh trung thu nhân đậu xanh trứng muối

Chuẩn bị nguyên liệu

  • Bột mì đa dụng: 120g
  • Đậu xanh đã bỏ vỏ: 150g
  • Trứng gà: 2 quả
  • Bơ đậu phộng: 10g
  • Lòng đỏ trứng muối: 6 quả
  • Nước cốt chanh: 1 muỗng cafe

Cách làm chi tiết

Làm nước đường bánh trung thu
  • Cho 500g đường và 300ml nước lọc vào nồi, bật bếp đun sôi. 
  • Sau khi nước sôi, hạ nhỏ lửa và nấu 30 phút.
  • Cho 1 muỗng cafe nước cốt chanh vào và nấu 15 phút thì tắt bếp.
  • Cho nước đường ra để nguội. Đổ nước đường vào các hũ, đậy kín và để ở nơi thoáng mát. Bạn có thể sử dụng sau khi để 3 ngày. 
  • Lưu ý: Nước đường bánh trung thu càng để lâu thì sẽ giúp bánh có màu đẹp hơn. 
Sên nhân đậu xanh

Cách làm nhân đậu xanh bạn có thể tham khảo ở cách làm bánh trung thu nhân đậu xanh.

Làm trứng muối

Bạn có thể mua lòng đỏ trứng muối ở ngoài hoặc tự làm tại nhà. 

Nếu làm trứng muối tại nhà, bạn chỉ cần tách lấy lòng đỏ quả trứng gà. Sau đó rắc lớp  muối mỏng ở dưới, cho lòng đỏ vào và rắc lên trên một lớp muối nữa phủ kín lòng đỏ trứng. Cuối cùng, bạn chỉ cần dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại và để trong ngăn mát tủ lạnh trong vòng 24 – 36 tiếng. Như vậy là lòng đỏ trứng muối đã hoàn thành. 

Làm vỏ bánh

Tùy theo việc bạn làm bánh nướng hay bánh dẻo, bạn có thể tham khảo cách làm vỏ bánh trung thu ở trên. 

Nặn bánh

nan-banh-trung-thu-trung-muoi

  • Chia phần nhân đậu xanh và phần vỏ bánh thành những phần bằng nhau. 
  • Cán mỏng viên nhân bánh, cho trứng muối vào giữa và bọc phần nhân sao cho bọc kín lòng đỏ trứng muối. 
  • Cán mỏng phần vỏ bánh và bọc kín phần nhân bánh. Khi bọc nhân bánh có thể miết để phần nhân và vỏ bánh kết dính chắc hơn.
  • Đóng khuôn để tạo hình cho bánh. Sau đó phết một lớp lòng đỏ trứng và dầu ăn lên mặt bánh.
Nướng bánh

Quá trình nướng bánh có thể thực hiện tương tự như với bánh trung thu nhân trứng chảy.

Hoàn thành

Sau khi hoàn thành, bánh sẽ có màu vàng xém rất đẹp. Nhân đậu xanh ngọt bùi kết hợp vị mặn của trứng muối đem lại một hương vị đặc biệt cho bánh. 

Xem thêm: Cách Làm Nama Chocolate Đơn Giản Tại Nhà

Các loại bánh trung thu phổ biến

Ở trên, Đức Phát đã cho thấy cách làm một số loại bánh trung thu được bánn  và tiêu thụ nhiều nhất hiệnay như bánh trung thu thập cẩm, bánh trung thu trứng chảy, bánh trung thu nhân đậu xanh hay bánh dẻo trung thu. Bên cạnh đó, vẫn có các loại nhân bánh trung thu khác độc đáo và được yêu thích không kém như bánh trung thu rau câu, bánh trung thu chay, … Một số còn bày cách làm bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu cho những người không có lò nướng hoặc đối với các doanh nghiệp sản xuất họ thường dùng Dây chuyền sản xuất bánh trung thu để sản xuất số lượng lớn. 

banh-trung-thu-rau-cau

Hy vọng với những công thức làm bánh trung thu trên đây, bạn có thể trổ tài và tặng cho gia đình, bạn bè, người thân những chiếc bánh trung thu thật ngon và đẹp mắt!

Nguyễn Đức Ngọc
Giám đốc điều hành

0919476666

Huỳnh Tuấn Lâm - chuyên gia Đức Phát

Huỳnh Tuấn Lâm
Chuyên gia về giải pháp hệ thống

0931284444

Dương Vũ Vương
Giám đốc chi nhánh Đức Phát Hồ Chí Minh

0974344345